Phú Thọ là vùng đất mang nhiều truyền thống văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam nên thật dễ hiểu khi du lịch Phú Thọ rất nổi tiếng với du lịch tâm linh, trải nghiệm văn hóa. Hơn thế nữa, địa hình chia cắt phức tạp cũng giúp cho Phú Thọ có rất nhiều địa điểm vui chơi giải trí gần gũi với thiên nhiên. Nếu như bạn dịp đi du lịch Phú Thọ thì đừng quên ghé thăm những địa điểm du lịch Phú Thọ này nhé.
1. Khu di tích Đền Hùng:
Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba””. Đền Hùng chẳng còn xa lạ gì với người dân Việt Nam, ngay cả với trẻ nhỏ. Cứ đến dịp giỗ Tổ, người dân cả nước lại đổ về Đền Hùng để thắp hương tưởng nhớ công ơn gây dựng đất nước của các vị vua Hùng.
Đây cũng chính là địa điểm du lịch Phú Thọ nổi tiếng nhất. Khu di tích đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Được xây dựng từ thế kỷ 15, đây là nơi con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên ngôi vua, lấy hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang.
Đền Hùng là một quần thể kiến trúc bao gồm đền Hạ và chùa, đến Giếng, đền Trung, đền Thượng và lăng vua Hùng. Khu di tích này thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm, đặc biệt gần đến dịp giỗ Tổ Hùng Vương.
2. Đền Quốc tổ Lạc Long Quân:
Ngôi đền này nằm ở đồi Sim, chỉ cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1km, có vị trí đắc địa, có thế “”sơn chầu thủy tụ””. Đền chính có diện tích 210 mét vuông mang kiến trúc chữ đinh truyền thống. Nội thất bên trong chùa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, sơn son thếp vàng, lợp mái ngói mũi hài, lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá xanh. Bước vào đền bạn sẽ nhìn thấy một bức tượng băng đồng đặt trên bệ đá được chạm khắc hoa văn theo lối văn hóa Đông Sơn. Tượng được đúc bằng đồng, nặng tới 1,5 tấn và cao gần 2 mét.
Cổng đền cũng được xây dựng theo phong cách truyền thống với 4 cột, cổng chính rộng 4,2 mét. Cổng được xây dựng chắc chắn bằng bê tông cốt thép, được ốp đá xanh với các hoa văn được chạm khắc tinh xảo.
3. Đầm Ao Châu:
Đầm Ao Châu nằm giữa một vùng đồi thấp, có hình dáng vô cùng đặc biệt. Nhìn từ trên cao, đầm có hình dạng giống như hình hai chiếc sừng choãi ra, hướng về sông Thao và sông Lô.
Đầm Ao Châu thuộc xã Ấm Thượng, xã Y Sơn và xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa của tỉnh Phú Thọ. Cách thành phố Việt Trì tới 80km nên không có quá nhiều du khách đến đây. Tuy nhiên, bạn sẽ không phải ân hận khi đặt chân tới đầm Ao Châu bởi thiên nhiên nơi đây vô cùng hoang sơ, tĩnh lặng, bốn mùa nước đều trong xanh, yên ả. Hơn thế nữa, trong hồ cũng có rất nhiều đảo với vô số loại trái cây đặc trưng của vùng nhiệt đới như vải, nhãn, mít, bưởi,..
4. Ao Giời – Suối Tiên:
Hai bên đường tới Ao Giời – Suối Tiên có hàng trăm đỉnh núi lớn nhỏ, cao từ 500 đến 600 mét so với mực nước biển. Suối Tiên bắt nguồn từ núi Nả – một ngọn núi có đỉnh cao 1.200 mét, sừng sững, uy nghi trước thiên nhiên. Nước suối chảy qua các khe đá rồi đổ ào ạt xuống dưới trông như những dải lụa trắng, vắt ngang sườn núi, nổi bật trên nền xanh của núi rừng đại ngàn. Suối có chiều dài tới hơn 10km, lòng suối khá sâu, được phủ bởi hàng ngàn viên đá, sỏi và những lớp cát vàng khiến cho nước suối được thanh lọc nên luôn trong suốt, có thể nhìn xuống tận đáy.
Đi xuống phía dưới chân thác bạn sẽ nhìn thấy những tảng đá khổng lồ. Những phiến đá đó bị dòng nước làm cho xói mòn, tạo nên những vũng nước nhỏ thậm chí là một chiếc ao. Theo truyền thuyết từ xa xưa kể rằng “xưa kia chỉ có Giếng Tiên, hàng ngày có các nàng tiên thường tới đây tắm mát, Ngọc Hoàng đã cho nước giếng dâng lên tạo thành các thác nước đổ xuống, lâu dần tạo thêm các ao. Ai được tắm ở Ao Giời – Suối Tiên trong 3 năm sẽ có làn da trắng mịn như ngọc, khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, tâm hồn thư thái, sáng láng”.
5. Vườn quốc gia Xuân Sơn:
Nơi đây được ví như lá phổi xanh của tỉnh Phú Thọ, vừa giúp điều hòa thiên nhiên, vừa cung cấp các sản vật rừng quý giá cho con người. Nếu ở Vườn quốc gia Xuân Sơn, bạn sẽ được tận hưởng thời tiết của cả 4 mùa chỉ trong một ngày: buổi sáng thời tiết mát mẻ, dịu nhẹ như mùa Xuân, trưa lại ấm áp tựa mùa hè, chiều hiu hiu gió như mùa thu và khi màn đêm buông xuống bạn sẽ cảm nhận được một chút se se lạnh của mùa đông.
Thảm động thực vật tại đây vô cùng đa dạng, phong phú với hơn 365 loài động vật, trong đó có tới 46 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 18 loài nằm trong sách đỏ thế giới. Nơi đây cũng có tới 726 loài thực vật bậc cao với 52 loài thuộc ngành quyết và hạt trần. Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, thích khám phá và tìm hiểu về thế giới tự nhiên thì chắc chắn phải đến đây một lần khi đi du lịch Phú Thọ.
Ngoài ra, Xuân Sơn cũng có rất nhiều hang động, sông suối, hốc đá, thác,… Tất cả những cảnh vật đó như điểm nhấn, chấm phá tạo nên nét độc đáo cho khu rừng đại ngàn này.
6. Hồ Ly
Gần đây, giới phượt đang truyền tai nhau về một địa điểm du lịch còn khá mới và hoang sơ, được ví von như “Tuyệt tình cốc” phiên bản Phú Thọ. Đó là hồ Ly, nằm ở xã Thượng Long, huyện Yên Lập.
Tuy nhiên, khi đứng trước vẻ đẹp hùng vĩ của hồ Ly, các bạn sẽ không tiếc công lặn lội đường xá xa xôi, khói bụi để đến nơi đây.
Để đi tham quan lòng hồ, các bạn có thể thuê một chiếc thuyền máy với giá khoảng 100.000 đồng/lượt. Người lái thuyền sẽ đưa các bạn đi một vòng hồ và giới thiệu về từng ngõ ngách, lối di chuyển và từng loại thủy sản của hồ.
Điểm nhấn làm nên sự ấn tượng của hồ Ly đó chính là cây cầu treo bằng sắt. Cầu bắc qua lòng hồ, nối 2 quả núi với nhau. Đứng trên cầu, các bạn có thể nhìn ngắm khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, vẻ đẹp hiền hòa của mặt hồ phẳng lặng.
7. Hang Lạng
Nếu đã đến Xuân Sơn mà không ghé thăm Hang Lạng thì quả là một thiếu sót lớn. Đây là hang lớn và dài nhất trong số hang động thạch nhũ ở Xuân Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ. Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, có cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng tạo nên khung cảnh huyền bí.
8. Đền Tam Giang – chùa Đại Bi
Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền nằm bên tả ngạn nơi hợp lưu của ba dòng sông: sông Hồng, sông Lô, sông Đà mà xưa nay nhân dân vẫn quen gọi là ngã ba Hạc. Đây là một thắng cảnh đẹp của vùng đất Tổ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và lễ bái.
Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm có: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam.
Đền Tam Giang thờ nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước là thần Thổ Lệnh, ông là thần làng – thần sông Bạch Hạc đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa trị tật bệnh cho muôn dân, khi mất lại linh ứng giúp cho các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước. Chùa Đại Bi, ngôi chùa cổ do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng từ đời Trần (năm 1328) đã có gần 700 năm tuổi.
9. Nhà cổ Hùng Lô
Hùng Lô xưa là vùng đất trù phú, có lịch sử phát triển lâu đời. Đình Hùng Lô là quần thể di tích có giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật trên vùng Đất Tổ, niên đại khoảng hơn 300 năm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình vẫn bảo tồn được nguyên vẹn giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử: Ngôi miếu cổ, tòa Đại đình, Long đình, nhà Tiền tế, lầu chuông, lầu trống, nhà thờ Phật, bệ thờ thần nông, nhà Văn chỉ và nhà Yến lão.
10. Đình Hùng Lô
Đình Hùng Lô, thuộc làng cổ Hùng Lô, nằm dọc ven sông Lô, cách Đền Hùng chừng 10km về phía Đông. Đình Hùng Lô được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Tương truyền, đây là vùng đất thiêng, nơi Vua Hùng từng nghỉ chân trong một lần đi du ngoạn. Về sau, dân lập miếu thờ, đến đời Lê Hy Tông (1697), đình được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh…
Một điểm đặc sắc đáng lưu ý nữa, đình Hùng Lô rất nổi tiếng về truyền thống trong lễ hội rước kiệu Đền Hùng từ xưa đến nay. Năm Mậu Ngọ (1918), đình Hùng Lô đã được thưởng “Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội”; hiện nay, biển thưởng này vẫn được trang trọng lưu giữ trong đình. Vào dịp lễ hội Đền Hùng hằng năm, đến đình Hùng Lô, du khách sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu quy mô rất hoành tráng của trên 200 nam trung, đi đến đâu náo động cả một vùng đến đó. Cuộc rước sẽ đi từ đình làng đến Đền Hùng; trở về từ Đền Hùng, các lễ tế tại đình làng mới được tiến hành, sau cùng là thụ lễ tại nhà Yến lão.
11. Bảo tàng Hùng Vương
Đây là bảo tàng tổng hợp có tính chất đặc trưng của bảo tàng khảo cứu địa phương, mục đích giới thiệu về lịch sử Phú Thọ từ thời khai sơn lập địa và dựng nước của thời đại các vua Hùng cho tới thời đại Hồ Chí Minh thông qua các bộ sưu tập, tài liệu, cùng những hiện vật quý hiếm. Qua đó tái hiện một không gian địa văn hóa hào hùng, vẻ vang của đất nước trên vùng Đất tổ.
12. Khu du lịch Bến Gót
Khu du lịch Bến Gót nằm tại Ngã ba Hạc thuộc hai phường Bạch Hạc và Bến Gót, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khu du lịch có diện tích khoảng 100ha, được chia thành 2 phần ở bờ Bắc và bờ Nam sông Lô, phần phía Bắc thuộc phường Bến Gót đây là phần chủ yếu, còn phần phía Nam thuộc phường Bạch Hạc.
13. Khu mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy
Nằm ở địa phận xã La Phù, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội 65 km về phía Tây Bắc, suối khoáng nóng Thanh Thủy là nơi nghỉ lý tưởng để thư giãn cuối tuần dù hè hay đông. Nhiệt độ trung bình của dòng khoáng nóng ở đây từ 37 – 43 độ C, cao nhất là 53 độ C. Nhờ chứa nhiều hàm chất vi lượng nên suối khoáng nóng Thanh Thủy có khả năng phục hồi sức khoẻ, giúp lưu thông máu, lợi cho tim. Mùa hè, nước được xử lý qua giàn tản nhiệt để giảm xuống còn khoảng 27 độ C. Mùa đông, nước để tự nhiên là đủ ấm.
Với những chia sẻ trên, Xeca tin rằng du lịch Phú Thọ sẽ mang đến cho bạn rất nhiều điều thú vị và bất ngờ. Chúc bạn sẽ lựa chọn được điểm đến lý tưởng cho mình và có một chuyến du lịch ý nghĩa.
Be the first to comment