Cái nắng đầu hè oi ả, ngột ngạt không làm chùn bước chân chúng tôi về với Bến Thân, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn. Bến Thân là khu nhiều “cái nhất” của xã: Đông dân nhất, khó khăn nhất, nhiều người cao tuổi nhất…
Bến Thân “ra đời” từ năm 1975, là sự hợp lại của 3 xóm: Lài, Rót, Trò – những chòm xóm sống trên núi tập hợp người dân ở nhiều nơi của các tỉnh giáp ranh, được vận động hạ sơn để ổn định cuộc sống.
Hiện nay Bến Thân có 127 hộ, chủ yếu là người Dao, còn lại số ít là người Mường và người Kinh về làm dâu, làm rể. Mới đến đầu bản đã thấy những ngôi nhà của đồng bào Dao nằm nép 2 bên sườn núi, lấp lóa trong nắng vàng.
Ở đây có nhiều người sống thọ, lật dở cuốn sổ thống kê các cụ cao tuổi trong xã, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã nói với chúng tôi: “Cũng kha khá đấy, trước đây còn có vài cụ nữa trên trăm tuổi nhưng mới mất năm ngoái, năm xưa rồi”. Hiện trong khu có 3 cụ trên 100 tuổi, số người cao tuổi từ 70 trở lên cũng thuộc diện tốp đầu của xã.
Người chúng tôi gặp là cụ bà Triệu Thị Thơ, nay đã 104 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Bà là người Dao, nhưng biết một ít tiếng Mường và tiếng Kinh. Lưng nay đã còng, mặt đã chạm gối, chân tay nhăn nheo, khô sần, mỗi khi đi lại phải cầm theo cái ghế con để chống.
Cụ Thơ bảo: “Mỏi hết vai hết người rồi, nó mỏi bên này này, chờ con cháu nó đi rừng về nó lấy thuốc cho uống”, vừa nói cụ vừa đưa bàn tay chai sạm, gầy guộc bên trái vỗ vào bên cánh tay phải. Cụ Thơ nói tiếng Kinh không rõ, chỉ biết một ít bởi thời trẻ cụ từng đi làm thuê lúc nông nhàn ở dưới xuôi, nhờ tiếp xúc với bà con nên biết. Đã chục năm nay, cụ Thơ không còn đi rừng nữa, chỉ ở nhà đun ấm nước, nấu cơm, cho lợn gà ăn và làm việc lặt vặt giúp con cháu. Cụ sinh được 7 người con, nhưng hiện chỉ còn 3 người còn sống, cháu nội lớn nhất của cụ giờ cũng đã ngoài 40.
Được chỉ dẫn, chúng tôi lại tiếp tục tìm gặp cụ Triệu Thị Mùi nay đã 105 tuổi. Đã xế trưa, cụ Mùi vẫn ngồi bên bậu cửa nhà, mắt nhìn ra đường vẻ trầm ngâm, tay cầm gậy chốc chốc lại gõ gõ xuống nền đất. Nhà cụ nằm xum xúp bên sườn núi, vài con lợn con loanh quanh chạy ra lại chạy vào cắn nhau chí chóe. Từ nhỏ đến lớn cụ chỉ quanh quẩn với ruộng nương, với những vạt rừng hun hút toàn cỏ cây, chưa một lần cụ ra khỏi Đồng Sơn, cụ chỉ nói được tiếng Dao bởi thế chúng tôi phải cần đến sự giúp đỡ “phiên dịch” từ con trai cụ anh Lý Văn Đôn là thầy cúng. Rời nhà cụ Mùi chúng tôi đến nhà bà Đặng Thị Lương, nay đã 89 tuổi. Bà Lương ở với cháu. Bà không nói được tiếng kinh nên câu chuyện của chúng tôi với bà cũng phải phụ thuộc vào cháu của bà “phiên dịch”. Có một điều dễ nhận thấy ở đấy, có lẽ vì lam lũ vất vả, lên rừng xuống núi bởi thế những người từ ngoài 60 trở đi nhìn già hơn tuổi rất nhiều. Khi tôi hỏi đã bao giờ bà mường tượng về cuộc sống ở phố thị, mơ ước một lần được đặt chân đến đó và nếu được lựa chọn bà sẽ chọn ở đây hay ở một nơi khác tốt hơn. Cháu bà chuyển lời, ý là bà cũng muốn được đi cho biết, nhưng bà chọn sống ở đây. Tôi hiểu cuộc sống bình yên, sớm tối làm bạn với con lợn con gà, với những cánh rừng… nên có thể sống được cả ngàn năm họ cũng sẽ chọn nơi này.
Có lẽ “bí quyết” trường thọ không có gì đặc biệt hơn là lao động, là hòa mình vào thiên nhiên trong lành, là sự thanh thản của tâm hồn… Những người cao tuổi ở đây chia sẻ: Bản Dao này nghèo lắm, trước đây chúng tôi toàn vào rừng hái rau dớn, rau bò khai, hoa chuối, củ nâu, củ mài về để ăn. Trong “chế độ dinh dưỡng” của các cụ đã trải qua một thế kỷ sống tại thung lũng này chủ yếu là đồ luộc, là khoai, sắn, ngô nhiều hơn gạo, khẩu phần ăn là những gì sẵn có tại chỗ, từ thiên nhiên và từ đất mẹ xứ Thân ban tặng, là ăn rau rừng, uống nước suối… Ngày xưa đau ốm, bà con chưa bao giờ biết đến một viên thuốc Tây, tất cả đều được chữa từ cây thuốc rừng, ngay cả nước uống hàng ngày của họ cũng từ những loại cây rừng. Thiên nhiên đã tạo cho họ một cuộc sống thuần khiết nguyên sơ, mỗi người đều yên bình trong chính những nếp nhà của mình, không có sự tính toán, ganh đua thiệt hơn của một xã hội công nghiệp.
Chúng tôi không chỉ được biết đến những già làng của Bến Thân mà còn được ăn rau rừng, nếm thử rượu được làm từ các cây thuốc, được vào sâu trong thung lũng nơi có nhiều trang trại của các hộ dân với con trâu, con bò, với những thửa ruộng tận sâu trong rừng được khai phá. Người dân giờ đã biết cấy hai vụ, lúa đang lên xanh, ngô giờ mới ngang bắp chân. Ngày qua ngày, mùa nào thức ấy, bà con hàng ngày vẫn vào rừng cần mẫn kiếm từng bó rau rừng, măng rừng, chuối hột về đem bán tại các chợ phiên để có thêm thu nhập. Thời điểm khi trời đã xế trưa ngả sang chiều, chúng tôi vẫn bắt gặp những đứa trẻ trong bản không ngủ mà kéo nhau ra suối, vào hang nghịch nước. Hang đá nằm bên cạnh suối Thân vẫn còn vẻ nguyên sơ, đẹp và lạ, mùa nóng dân trong bản vẫn hay kéo nhau vào đây tránh nóng, để đi qua được con đường mòn ven suối gồ ghề sỏi đá phải đi bộ nếu đi xe máy thì chỉ có cách là chiếc xe số tháo yếm nếu không dễ va vào những những mô đá to bên đường. Chúng tôi được khỏa chân dưới dòng nước mát lạnh, hít hà cái không khí trong lành và những cơn gió luồn qua kẽ tóc. Ven những con suối, trải đầy sắc vàng của những cánh hoa vàng anh, hoa theo gió bay là là ngang tầm mắt rồi hòa mình vào dòng nước róc rách chảy qua khe đá.
Bến Thân đã khiến tôi tò mò dong xe vào bản để một lần được “diện kiến” và cúi mình trước những bậc tiền bối. Một ngày “bước chậm” của tôi ở Bến Thân chưa thấm vào đâu và có lẽ sẽ chẳng biết thế nào là đủ… Bến Thân trong tôi như một thung lũng nhỏ bình yên đến lạ…
THU HƯƠNG
Be the first to comment