Giá vé Đền Ngọc Sơn 2024 – Di Tích Văn Hóa Giữa Lòng Hà Nội

Đền Ngọc Sơn Hà Nội

Giá vé đền Ngọc Sơn 2024, là một điểm đến thú vị, giàu ý nghĩa lịch sử, thẩm mỹ và văn hoá truyền thống du lịch nội thành Hà Nội. Cùng tìm hiểu về di tích đền Ngọc Sơn nhé!

Trong cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội, Đền Ngọc Sơn luôn được nhắc đến như một nơi linh thiêng, đã tồn tại cùng với thăng trầm của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Ngôi đền này không chỉ mang nét đẹp cổ kính mà còn có ý nghĩa tâm linh rất lớn với người dân địa phương.

Trải qua bao biến cố của lịch sử, đền Ngọc Sơn vẫn là một tuyệt tác kiến trúc uy nghi giữa lòng Hà Nội. Tham quan đền Ngọc Sơn cũng là cách để thư giãn tâm hồn, cảm nhận cuộc sống chậm và lưu lại những bức ảnh đẹp trong chuyến du lịch Hà Nội nhé.

Sơ Lược Về Di Tích Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn là một ngôi đền cổ có mặt từ thế kỷ XIX, mà theo văn bia trong đền ghi lại thì đền được khởi xây vào mùa thu năm 1841. Ngôi đền này trải qua nhiều lần xây, sửa, đổi tên và trong lần đại trùng tu vào năm 1865, nhiều công trình ý nghĩa được xây thêm, bao gồm: Đình Trấn Ba, Cầu Thế Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, oai nghiêm giữa Hồ Hoàn Kiếm.

Du lịch Đền Ngọc Sơn

Trải qua nhiều biến động của lịch sử Đền Ngọc Sơn đã gắn liền với nhiều giai đoạn phát triển và đổi mới của dân tộc. Ngôi đền này được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam vào năm 2013.

Ngày nay, Đền Ngọc Sơn không chỉ là chốn tâm linh đơn thuần, mà còn là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Hà Nội, thu hút du khách bởi nét cổ kính, trầm mặc, biểu trưng cho nền văn hóa lâu đời của mảnh thủ đô Hà Nội.

Đền Ngọc Sơn Thờ Ai?

Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn là nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và thần Văn Xương Đế Quân, một vị thần được dân gian lẫn Đạo giáo tôn sùng là thần chủ quản công danh phúc lộc cho sĩ nhân. Ngoài ra, trong đền cũng có cung thờ Phật, bàn thờ Công Đồng, Tam Tòa Thánh Mẫu, v.v. Điều này thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên của người Việt thời đó là: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Sự hòa hợp này không chỉ thể hiện rõ ở việc thờ cúng mà còn trong cả kiến trúc, cách bài trí, và hệ thống câu đối, hoành phi ở đền Ngọc Sơn.

Đền Ngọc Sơn Ở Đâu?

Đền Ngọc Sơn nằm trên một gò đất nổi trên Hồ Hoàn Kiếm, gọi là Đảo Ngọc. Nếu Tháp Rùa nằm ở phía Nam của hồ thì Đền Ngọc Sơn tọa lạc ở phía Đông Bắc. Tất cả các công trình này đã tạo nên một quần thể di tích hài hòa với quan cảnh thiên nhiên, và trở thành biểu tượng văn hóa – lịch sử của thủ đô Hà Nội.

Giá Vé Vào Đền Ngọc Sơn 2024

Đền Ngọc Sơn thu phí tham quan khu vực trung tâm như sau:

  • Người lớn: 30.000đ/người
  • Trẻ em 15 tuổi trở xuống: Miễn phí

Giá vé Đền Ngọc Sơn

– Nếu bạn chỉ tham quan bên ngoài, không vào đến Đắc Nguyệt Lâu thì không cần mua vé.

– Bạn có thể tham quan di tích Đền Ngọc Sơn tất cả các ngày trong tuần, từ 7h00 đến 18h00.

Hướng Dẫn Cách Đi Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn Hà Nội

Với vị trí tuyệt đẹp ngay Hồ Hoàn Kiếm, việc đi tham quan Đền Ngọc Sơn không hề khó khăn chút nào. Bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân, taxi hoặc công cộng.

Một chiếc xe máy nhỏ gọn sẽ vô cùng tiện lợi, giúp bạn vi vu khắp mọi nẻo phố phường. Bạn có thể thuê xe ngay tại khách sạn mình ở hoặc dịch vụ tư nhân, và sẽ gửi xe máy ở những điểm quy định trong khu vực Phố đi bộ Hà Nội. Ngoài ra, dịch vụ thuê xe riêng có tài xế của Klook đang rất được ưa chuộng. Bạn chỉ cần ngồi yên nhìn ngắm phố phường, việc di chuyển để bác tài lo nhé!

Nếu lựa chọn xe buýt, bạn có thể tham khảo những tuyến đi qua Hồ Hoàn Kiếm sau đây:

  • Tuyến 08: xuất phát từ bến Long Biên
  • Tuyến 14: xuất phát từ Cổ Nhuế
  • Tuyến 31: xuất phát từ Đại học Bách Khoa
  • Tuyến 36: xuất phát từ điểm trung chuyển Long Biên

Phố đi bộ Hà Nội diễn ra vào hai ngày cuối tuần, và các phương tiện không được phép đi lại ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Vì thế, nếu bạn tham quan Đền Ngọc Sơn vào thời gian này thì nhớ lưu ý sắp xếp việc đi lại sao cho thuận tiện nhất nhé.

Lịch Sử Đền Ngọc Sơn

Khởi Nguyên, khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đã đặt tên ngôi đền là Ngọc Tượng. Đến thời nhà Trần, ngôi đền được đổi tên là Ngọc Sơn, nơi thờ những vị binh tướng đã hy sinh trong trận đánh quân Nguyên – Mông. Về sau, ngôi đền bị sụp đổ. Ở thời Vĩnh Hựu nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã dựng Cung Khánh Thụy và đắp hai quả núi đất trên bờ đất phía Đông, đối diện Đền Ngọc Sơn.

Den ngoc son

Cuối đời nhà Lê, Cung Khánh Thụy bị Lê Chiêu Thống phá hủy một phần và sau đó được dân làng Tả Khánh dựng lại, và đặt tên là Đền Khánh Thụy. Bởi sự liên kết về mặt lịch sử này, mà cửa Đền Khánh Thụy có vị trí hướng ra Đền Ngọc Sơn.

Sau đó, một nhà từ thiện tên Tín Trai đã xây dựng Chùa Ngọc Sơn trên một phần nền cung Khánh Thụy khi xưa, quay mặt về phía Nam. Không lâu sau, chùa được nhượng lại cho một hội từ thiện và đổi làm đền thờ Tam Thánh. Chính hội này đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đặt tượng Văn Xương Đế Quân và đổi tên thành đền Ngọc Sơn.

Năm 1865, nhà Nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đề, đắp thêm đất, xây kè đá xung quanh, đình Trấn Ba ở phía Nam, cầu Thê Húc dẫn từ bờ Đông đi vào đền, Tháp Bút, Đài Nghiên.

Kiến Trúc Đền Ngọc Sơn, Hà Nội

Kiến Trúc Đền Ngọc Sơn, Hà Nội

Đền Ngọc Sơn được xem như một kiệt tác nghệ thuật cổ giữa lòng thủ đô hiện đại, mang đậm đường nét kiến trúc đền chùa đặc trưng ở vùng Bắc Bộ.

Đền được xây theo kiến trúc hình chữ Tam với tám mái hình vuông, hai tầng, tám cột chống đỡ, gồm ba nếp nhà chính liền nhau: Bái đường là nơi hành lễ đầu tiên với một hương án lớn và đôi chim anh vũ hai bên; Trung đường thờ Văn Xương, Lã Động Tân và Quan Vân Trường; Hậu cung phía Bắc thờ tướng quân Trần Quốc Tuấn.

Trước nhà Bái đường về phía Nam là đình Trấn Ba, nghĩa là đình chắn sóng. Đình được xây với ngụ ý là cột trụ vững vàng giữa làn sóng văn hóa không lành mạnh đương thời. Cấu tạo bốn cột đá bên ngoài và bốn cột gỗ bên trong kết hợp với nhau, làm tăng thêm sự độc đáo, tôn nghiêm cho tổng thể kiến trúc. Xung quanh đền là một loạt các công trình độc đáo mang nét đặc sắc và ý nghĩa riêng.

Cầu Thê Húc màu đỏ tượng trưng cho mặt trời sẽ đưa bạn vào khu đền. Qua khỏi cầu là Đắc Nguyệt Lâu, cũng chính là cổng đền, một ngôi lầu nhỏ xinh xắn gồm hai tầng hướng nhìn ra hồ, mang vẻ đẹp thi vị. Đi thêm vài bước chân chính là Tháp Bút bằng đá. Đỉnh tháp có hình ngọn bút lông, trên thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên”, có nghĩa là “Viết Lên Trời Xanh”.

Dưới chân Tháp Bút chính là Đài Nghiên, một nghiên mực bằng đá có hình nửa quả đào được bổ đôi theo chiều dọc. Tấm nghiêng được đội trên lưng ba con thiềm thừ. Đặc biệt trên thân của nghiên có khắc một bài minh của Nho sĩ Nguyễn Văn Siêu.

Nhiều người truyền lại, khi mặt trời đứng bóng, Tháp Bút soi bóng xuống giữa lòng Đài Nghiên, tạo ra một hình ảnh kỳ diệu, thể hiện độ chính xác kinh ngạc của kiến trúc cũng như tính triết lý của công trình.

Cụ Rùa Trong Đền Ngọc Sơn

Cụ Rùa Trong Đền Ngọc Sơn

Điều đặc biệt thu hút khách tham quan đến Đền Ngọc Sơn chính là gian trưng bày hai tiêu bản cụ rùa được đặt trong lồng kính.  Hai tiêu bản rùa Hồ Hoàn Kiếm được trưng bày cạnh nhau, bên trái là cá thể rùa chết vào năm 1967, còn bên phải là cá thể rùa cuối cùng được tìm thấy vào năm 2016.

Để chế tác tiêu bản cụ rùa cuối cùng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp cùng các chuyên gia từ Bảo tàng Berlin thực hiện theo phương pháp nhựa hóa của Đức trong vòng hai năm. Với hệ thống chiếu sáng hiện đại và các công nghệ bảo quản mẫu vật hiện đại, hình ảnh tiêu bản cụ rùa hiện ra rất rõ nét. Có dịp ghé Đền Ngọc Sơn, đừng bỏ qua khu vực hấp dẫn này nhé.

Lễ Ở Đền Ngọc Sơn 

Vào dịp Tết hay những ngày lễ đặc biệt trong năm, người dân Hà Nội và các vùng lân cận lại sắm sửa lễ vật đến đền Ngọc Sơn để dâng lễ xin lộc, cầu bình an, may mắn.  Cùng với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn cũng là nơi cầu khấn của các sĩ tử trước ngày thi, mong được phù hộ cho đỗ đạt, công thành danh toại.

Sắm Lễ Đền Ngọc Sơn

Khi đi lễ Đền Ngọc Sơn, khách hành hương lựa chọn những lễ vật trang trọng, bề thế để dâng cửa đề. Tùy bạn muốn cầu nguyện gì để chuẩn bị lễ tại các ban cho phù hợp. Đặc biệt, oản lễ đang là sự lựa chọn của nhiều người bởi tính thẩm mỹ cao và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Văn Khấn Đền Ngọc Sơn

Hiện tại, có ba bài văn khấn phổ biến tại Đền Ngọc Sơn, mỗi bài khấn sẽ ứng với mỗi bàn thờ khác nhau trong đền, bao gồm: văn khấn Thành Hoàng, văn khấn ban Công Đồng, và văn khấn Tam Tòa Thánh Mẫu. Các bài khấn này có thể áp dụng cho các đền ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Kinh Nghiệm Du Lịch Đền Ngọc Sơn Tự Túc

Bạn có thể đến Đền Ngọc Sơn vào bất kỳ thời điểm nào, vì Đền Ngọc Sơn tấp nập khách đến tham quan, chiêm bái. Tuy nhiên, vào ngày rằm hoặc mùng một hàng tháng thì nơi đây đông người hơn bình thường. Vì thế, để tránh đông đúc thì bạn nên tránh những ngày này.

Nên đi Đền Ngọc Sơn vào những ngày nắng đẹp vào mùa thu hoặc mùa xuân để có thể lưu giữ những khoảnh khắc đẹp ở Cầu Thê Húc. Khi bãi lễ Đền Ngọc Sơn, bạn lưu ý lễ từ đền chính trước, sau đó theo hướng từ phải sang trái tiến vào bên trong.

Khi vào đền chính, phải đi hai cửa hai bên chứ không nên đi cửa giữa, đồng thời phải bước qua bậu cửa. Ngoài ra, cần trò chuyện nhỏ tiếng, ăn mặc lịch sự, không tự tiện chỉ tay vào tượng thờ trong đền, và không nên chụp hình trong khu thờ tự.

About Phượt Đi 832 Articles
Xin chào! Chào mừng bạn đến với website Phuotdi.Vn, đây là trang web/blog cá nhân của tôi. Nơi tôi chia sẽ kinh nghiệm của những chuyến đi và tin tức hót, sự kiện hấp dẫn mà tôi tham khảo được trên internet xin gửi tới bạn đọc.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*