Vẻ đẹp Thác Nghĩ, bản Mu, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn

Vẻ đẹp thác Nghĩ, bản Mu
Vẻ đẹp thác Nghĩ, bản Mu

Thác Nghĩ, bản Mu, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn thời gian gần đây được biết đến là điểm du lịch sinh thái, cộng đồng thu hút sự quan tâm của những người ưa thích trải nghiệm, khám phá.

Xã Thượng Cửu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện, với trên 92% dân số là người dân tộc Mường, trên địa bàn xã Thượng Cửu có khoảng trên 20 thác lớn nhỏ.

Vẻ đẹp thác nước ở xã Thượng Cửu
Vẻ đẹp thác nước ở xã Thượng Cửu – Ảnh Út Mười

Trong đó, thác Nghĩ, bản Mu mặc dù nằm trong rừng đầu nguồn nhưng việc đi lại cũng rất thuận lợi, xe máy có thể đi vào tận chân thác, nước trong và mát, cảnh vật hoang sơ, chưa có sự tác động mạnh của con người, tạo điều kiện cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với phong tục tập quán và các món ăn truyền thống của người dân địa phương.

Vẻ đẹp thác Nghĩ, bản Mu
Vẻ đẹp thác Nghĩ, bản Mu

Là một người có nhiều tâm huyết với việc tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch của thác Nghĩ, anh Đinh Văn Nghi – khu Mặc Chanh, xã Thượng Cửu cho biết: Gia đình tôi được giao bảo vệ 6 ha rừng phòng hộ trong đó có suối Mu chảy qua các thác Nghĩ, Chuôn, Tải Kẻ.

Ở giữa rừng nguyên sinh nên không khí ở đây trong lành, mát mẻ, thường thấp hơn so với bên ngoài từ 3 – 4 độ.

Thác Nghĩ, bản Mu, xã Thượng Cửu
Thác Nghĩ, bản Mu, xã Thượng Cửu

Trước kia, vào những khi thời tiết nóng bức, bà con quanh khu vực vẫn thường vào tắm trong thác. Một vài năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển, thác thu thút nhiều người đến chơi, thăm quan thậm chí có những du khách đến từ Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Để tạo điều kiện cho bà con, du khách đến thác có địa điểm dừng nghỉ, gia đình đã dựng 5 lán sạp bằng bương tre quanh khu vực thác và nhận phục vụ các món ăn truyền thống của người bản địa, được nhiều người đón nhận, ủng hộ. Mong rằng, trong thời gian tới thác Nghĩ sẽ được nhiều người biết đến hơn và trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách…

Khám phá thác Nghĩ, bản Mu
Khám phá thác Nghĩ, bản Mu – Ảnh Út Mười

Thực tế, mặc dù có lợi thế để phát triển du lịch nhưng nhiều danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa được khai thác hết tiềm năng; chưa phát triển tương xứng với các giá trị vốn có. Để thác Nghĩ nói riêng và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung thật sự hấp dẫn với du khách thì cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận ủng hộ của chính quyền và nhân dân các địa phương…

Một số món ăn mâm cỗ lá truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, xã Thượng Cửu, Thanh Sơn

Bà Vũ Thị Hoài Phương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Để phát triển du lịch, ngoài việc phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có thì cần có các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ đi kèm để thu hút du khách quay trở lại.

Trong đó, cần xây dựng kịch bản chương trình hấp dẫn, các tour, tuyến, lịch trình phù hợp với từng dòng du khách, tạo được các điểm nhấn đáng nhớ đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.

Những trải nghiệm thú vị Thác Nghĩ, bản Mu, xã Thượng Cửu
Những trải nghiệm thú vị Thác Nghĩ, bản Mu, xã Thượng Cửu

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến du lịch như: Tham gia tạo cảnh quan môi trường, hướng dẫn hoàn thiện các công trình điểm nhấn du lịch tại các điểm du lịch, hình thành các mô hình trình diễn mang đậm nét văn hóa vùng Đất Tổ.

Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch, tạo điều kiện cho các công ty du lịch lữ hành trên cả nước biết đến du lịch Đất Tổ.

Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ hướng dẫn viên và cộng đồng nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp và hài lòng của khách du lịch khi về Đất Tổ.

Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phát triển du lịch gắn với trải nghiệm hoạt động làng nghề kết hợp nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch từ đó tôn vinh, quảng bá sản phẩm, sản vật đặc trưng của Phú Thọ đến với du khách.

Cùng với đó, thực hiện chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm-OCOP, Sở Công thương đã khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền tại thành phố Việt Trì.

Giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng Đất Tổ như: Tương, chè, mì gạo, bánh chưng, ủ ấm Sơn Vi, nón lá Gia Thanh, tinh dầu quế Trung Sơn, bưởi Đoan Hùng… và nhiều đặc sản vùng miền khác. Các sản phẩm được trưng bày tại điểm bán đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm với mong muốn không chỉ đưa mặt hàng của các tỉnh bạn về giới thiệu cho bà con trong tỉnh mà còn giới thiệu sản phẩm của các địa phương trong tỉnh tới du khách thập phương, góp phần kích cầu tiêu dùng du lịch.

Hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của ngành du lịch và các đơn vị, địa phương, trong thời gian tới du lịch Phú Thọ sẽ tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo dựng và khẳng định được thương hiệu, sức cạnh tranh, thu hút du khách về với Đất Tổ.

About Phượt Đi 832 Articles
Xin chào! Chào mừng bạn đến với website Phuotdi.Vn, đây là trang web/blog cá nhân của tôi. Nơi tôi chia sẽ kinh nghiệm của những chuyến đi và tin tức hót, sự kiện hấp dẫn mà tôi tham khảo được trên internet xin gửi tới bạn đọc.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*