Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khi được đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h tới 23h hằng ngày và sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông khi đưa vào khai thác thương mại tới đây sẽ chở khách miễn phí 15 ngày để tạo điều kiện cho người dân làm quen, trải nghiệm.
Tuyến đường sắt này khi khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h đến 23h hằng ngày. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến.
Theo tính toán, đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h. Như vậy, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây.
Giá vé tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông 2023
Về giá vé tuyến đường sắt đô thị này, ông Ngọc cho biết, HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau.
Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi kilômet tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.
Nhằm xây dựng phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì triển khai phương án, chủ động điều hành, điều chỉnh phương án linh hoạt, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thuận lợi nhất cho người dân.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xây dựng các kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông như thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị 2A. Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân khoảng 400m.
Có 51 tuyết buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông nhưng việc phân bổ dọc tuyến đường sắt đô thị này lại không đều, tập trung chủ yếu trên trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông) – Quang Trung (Hà Đông), trong khi các ga nằm sâu trong nội đô như: Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh…, số lượng tuyến ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối.
Sau khi thực hiện phương án kết nối, hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt sẽ tăng lên 59 tuyến, trong đó bổ sung 8 tuyến kết nối với ga Cát Linh và 1 tuyến kết nối với ga Yên Nghĩa.
Khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò cung cấp và giải tỏa tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.
Page: Hà Nội
Be the first to comment