Xóm Hắm xã Khả Cửu là một vùng đất tiềm năng để phát triển địa điểm du lịch và bảo tồn nét văn hóa truyền thống của ông cha ta. Với lợi thế địa hình cảnh quan đẹp sẵn có của địa phương, những con suối nhỏ, cùng mô hình cọn nước, cánh đồng bằng phẳng… tạo nên một khung cảnh bình dị mà nhiều người muốn tham quan và trải nghiệm.
Cuộc sống của con người nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Hằng ngày họ vẫn phải lên đồi làm nương và trồng lúa, chăn nuôi như bao vùng quê khác. Bởi vậy, những chiếc cọn nước này đã được tạo nên để phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng của họ, vô tình đã tạo nên một nét đẹp văn hóa đã có từ xa xưa.
Xã Khả Cửu còn là vùng đất với nhiều nền văn hóa đan xen, trong đó có văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường như cồng chiêng, đâm đuống, hát ví, hát giang vẫn được lớp lớp các thế hệ người con đất Mường bảo tồn và lưu giữ cho đến ngày nay.
Các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường nơi đây cũng đang dần bị mai một. Với mục đích nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mường đối với sự phát triển toàn diện của huyện, UBND huyện đã xây dựng “Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện Thanh Sơn”.
Với sự phát triển và hội nhập của cuộc sống ngày nay những ngôi nhà sàn người Mường đã không còn tồn tại nhiều. Nhưng một giá trị vật chất hiện hữu từ thời cha ông để lại mà còn là một không gian tinh thần chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục, tập quán lâu đời của người Mường. Những đồ dụng cụ lao động sản xuất, vật dụng sinh hoạt, trang phục, nhạc cụ của dân tộc Mường, như: mẹt sảy, rổ, thúng, rìu, ớp, đơm cá giỏ, ùi bông, ninh, hông xôi cơm, nỏ, cối giã gạo, giỏ bắt cua, khuân bún, chiêng vẫn được bảo tồn đến ngày nay trong các hộ gia đình.
Ngoài văn hóa vật thể, còn phải kể tới nguồn Văn hóa phi vật thể phong phú của người Mường như: Tiếng nói dân tộc Mường, ngữ văn dân gian, nghệ thuật biểu diễn, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, trang phục dân tộc… cơ bản vẫn còn lưu giữ được bản sắc trong cộng đồng.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc chính là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Đối với địa bàn xã Khả Cửu nói riêng và huyện Thanh Sơn nói chung, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc vùng núi xã Khả Cửu mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế – xã hội của huyện Thanh Sơn ngày càng phát triển.
Be the first to comment